Hôm nay (19/6), Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) tổ chức Hội thảo: Hòa giải thương mại: Lựa chọn hiệu quả trong giải quyết tranh chấp. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020). Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định cho biết Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. “Tôi hi vọng đây sẽ là sự kiện sẽ được tổ chức thường niên để doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức hỏa giải”, ông Huỳnh nhấn mạnh. Ông Huỳnh cho biết, các chính sách về hòa giải thương mại đã có từ lâu nhưng chúng ta chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh riêng cho lĩnh vực hòa giải thương mại. “Hiện này hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại mới chỉ dừng ở cấp Nghị định khi Chính Phủ ban hành Nghị Định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Tuy nhiên,kết quả thực hiện quá trình thực hiện Nghị định 22 vẫn còn khiêm tốn, doanh nghiệp chưa thật sư quan tâm đến việc hòa giải thương mại. Chúng ta đã có đến 10 Trung tâm hòa giải thương mại, nhưng số lượng các vụ việc được hòa giải không nhiều”, ông Huỳnh nói. Theo quan điểm của ông Huỳnh, để vấn đề hòa giải thương mại phát triển, và là lựa chọn của doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp thì hành lang pháp lý cho vấn đề hòa giải cần được nâng lên ở tầm Luật định. “Trong lĩnh vực trọng tài, chúng ta đã có Luật Trọng tài Thương mại nhưng trong lĩnh vực hòa giải thì hành lang pháp lý lại chỉ dừng ở cấp Nghị định. Dường như hành lang pháp lý của các phương thức giải quyết tranh chấp… đang có sự “bất công”, ông Huỳnh nhấn mạnh. Đồng thời, cần tăng cường quảng bá, giới thiệu về các lợi ích của hình thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải đối với các giới luật sư, trọng tài viên, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các thành phần khác tham gia và có liên quan tới hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại như toà án, thẩm phán, cơ quan lập pháp. Thêm vào đó, cần tập hợp các nhà nghiên cứu và chuyên gia về hoà giải tại Việt Nam, tiến hành nghiên cứu và đánh giá các tác động của việc Việt Nam gia nhập/ký kết Công ước Singapore, nghiên cứu các quy định nhằm hài hoà hoá pháp luật Việt Nam và quốc tế về vấn đề hoà giải. Và cuối cùng là nhanh chóng tiến hành đưa vào thử nghiệm mô hình mới liên thông giữa hoà giải và trọng tài (arb-med-arb) và chỉnh sửa hoàn thiện mô hình căn cứ trên thực tiễn áp dụng, tạo thêm cơ chế mới thuận lợi giúp các doanh nghiệp, người sử dụng hoà giải có thêm lựa chọn và tin tưởng hơn vào dịch vụ này.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp