Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết ở các cấp, ngành và trong các loại hình doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cùng với nhận thức ngày càng được nâng cao, các doanh nhân luôn đẩy mạnh việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ và tăng cường sự gắn bó với người lao động trong doanh nghiệp; luôn có tinh thần trách nhiệm, đóng góp cho xã hội và tỉnh, quan tâm đến công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các chương trình vì cộng đồng; đồng thời luôn có trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các tổ chức Đảng, Công đoàn, đoàn thể khác trong doanh nghiệp.
Trên cơ sở Chương trình hành động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai theo chức năng nhiệm vụ của mình tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sản xuất cho doanh nhân, doanh nghiệp; công khai, minh bạch những chủ trương lớn, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, chính sách hỗ trợ giúp doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ODA và các chương trình khác; thúc đẩy hình thành doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên tục phát triển, mở rộng quy mô, làm ăn có hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương, đơn vị đã thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quyết liệt công tác rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính; triển khai tốt cơ chế “một cửa liên thông”, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; đồng thời kiến nghị đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi những quy định không phù hợp, chồng chéo gây phiền hà khi giải quyết công việc của nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan, công chức, viên chức Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và doanh nhân trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp được nâng lên. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng, quy mô của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Bình đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ðội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Song song với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng, cởi mở; tích cực cải cách hành chính; tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp xây dựng, phát triển; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh; chỉ đạo triển khai kịp thời chính sách tiền tệ, tín dụng và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gồm điều chỉnh giảm lãi suất đối với khoản vay cũ; cho vay mới, ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và các đối tượng chính sách. Địa phương cũng thực hiện cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giãn nợ, kéo dài thời hạn nợ, giảm lãi suất cho vay; có giải pháp miễn, giảm thuế, gia hạn, giãn thời gian nộp thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai biện pháp huy động, khơi thông nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng; khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Tỉnh còn tổ chức hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở các cấp (cấp tỉnh 03 tháng/lần với quy mô doanh nghiệp vừa và lớn; cấp huyện 03 tháng/01 lần với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ); xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải quyết những vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp kiến nghị; triển khai tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, nghề, khu cụm công nghiệp; quy hoạch làng nghề, vùng nguyên liệu gắn với dự án đầu tư, đảm bảo đồng bộ, hợp lý; giữa sản xuất và các ngành dịch vụ đi kèm, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội; tập trung khuyến khích, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, nông thôn theo quy định; tập trung tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; kích thích sức mua xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, đẩy mạnh quản lý thị trường, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, kiên quyết xử lý hàng nhái, kém chất lượng không có nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến tính lành mạnh của thị trường; có chính sách, giải pháp hữu hiệu hỗ trợ và khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất.
Với những cố gắng nỗ lực và những thành tích đạt được trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã được ghi nhận, biểu dương bằng các hình thức khen thưởng như: “Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ” “Bằng khen của Chính phủ”, Giải thưởng “Sao vàng Đất Việt”, “Cúp Thánh Gióng”, “Doanh nghiệp – Doanh nhân vì cộng đồng”, “Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam”, Giải Bông hồng vàng”, “Doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Quảng Bình”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW vẫn còn một số tồn tại: Việc xây dựng và thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức quy hoạch, kế hoạch của các sở, ban, ngành địa phương. Hoạt động kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình sản xuất kinh doanh chưa được chặt chẽ. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở chưa thực sự đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng của một số cơ quan, đơn vị trong việc tạo điều kiện giúp đỡ cho doanh nghiệp chưa cao. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân chưa sâu sát, chưa kịp thời. Công tác phát triển Đảng trong đội ngũ doanh nhân và việc xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chất lượng hoạt động chưa cao. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống và đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phổ biến thông tin; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề doanh nghiệp để vận dụng, cụ thể hóa một cách phù hợp, sáng tạo vào thực tiễn của từng địa phương, từng ngành giúp các doanh nghiệp phát huy hiệu quả; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có những giải pháp mang tính đột phá, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, làm ăn có hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, ngành năng động sáng tạo, đủ phẩm chất, năng lực để tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả; đề cao hơn nữa đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân…
PV Minh Huyền