Doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19

Doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19

Là doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc nhưng Công ty TNHH may Nien Hsing (KCN Khánh Phú) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Ông Yu Ming Te, Phụ trách Hành chính của Công ty TNHH may Nien Hsing cho biết: Hoạt động sản xuất của Công ty là gia công quần áo với gần 3.300 công nhân. Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Do các đơn hàng và kế hoạch sản xuất được chuẩn bị trước 6 tháng nên hiện nay Công ty chưa gặp nhiều khó khăn về hoạt động xuất hàng và vấn đề nguyên phụ liệu đầu vào. Tuy nhiên, dự tính Công ty chỉ đủ nguyên liệu sản xuất trong vài tháng tới và nếu tình hình chưa được cải thiện, Công ty thực sự gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Việc ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên diện rộng với nhiều quốc gia trên thế giới khiến Công ty cũng hoạt động cầm chừng, chưa thể có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể trong năm nay. Công ty đang cân nhắc đến giải pháp tìm kiếm thêm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào ở các thị trường khác.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hoạt động xuất khẩu qua đường biển đang gặp khó khăn và chi phí vận chuyển qua đường hàng không cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian tới, Công ty mong muốn tỉnh Ninh Bình có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này như kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chúng tôi tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành hàng trở thành chuỗi cung ứng khép kín trong nước. Có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian dịch bệnh các công ty phải sản xuất cầm chừng.

Số liệu báo cáo của Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cho thấy, 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng sụt giảm, đặc biệt một số mặt hàng như sản phẩm may mặc ước đạt 1.127 nghìn sản phẩm, giảm 36% so với cùng kỳ; may đồ thể thao ước đạt 165 nghìn sản phẩm, giảm 43% so với cùng kỳ; clinker ước đạt 450 nghìn tấn, giảm 9% so với cùng kỳ; linh kiện điện tử ước đạt 4.669 nghìn sản phẩm, giảm 10% so với cùng kỳ.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương nhận định: Qua khảo sát, đánh giá của ngành Công thương, chúng tôi nhận thấy lực cản lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay chính là thị trường và nguồn nguyên liệu. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 2 tháng đầu năm của tỉnh vẫn tăng cao nhưng cục bộ một số ngành sản xuất đã xuất hiện những khó khăn như dệt may, linh kiện điện tử, sản xuất phân bón…

Nếu diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài sang hết quý II thì nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất. Đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang gặp nhiều trở ngại khi số lượng các quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh Covid-19 ngày càng nhiều, dẫn đến thị trường xuất khẩu trì trệ.

Trước tình trạng trên, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Công thương đang xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước phù hợp với các ngành hàng đang gặp khó khăn của tỉnh để kết nối các doanh nghiệp. Khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động nắm bắt công nghệ để thay thế sửa chữa các dây chuyền sản xuất không quá phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài.

Về giải pháp lâu dài, Sở sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ vào các cụm công nghiệp trong tỉnh để trong tương lai các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào các thị trường lớn. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký song phương, đa phương để tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch.

Theo Baoninhbinh.org.vn

You may also like...

Popular Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *