Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Báo Nhân Dân

Đó là một minh chứng được Google đưa ra giới thiệu trong lần ra mắt một chương trình tổ chức tại Hà Nội mới đây nhằm giới thiệu cơ hội đón làn sóng công nghệ số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Internet đang thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống và ngày càng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là một thị trường đến 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hết lời ca ngợi Google và khẳng định công nghệ số đang tạo nên một nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường, mở ra một thế hệ doanh nghiệp mới với đặc trưng “vốn nhỏ, trí tuệ lớn”. “Đối với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại và doanh nghiệp nhỏ thì đang lớn lên” – ông Lộc nói. Có thể nói làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả doanh nghiệp. Những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả thường dễ tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng hơn và quan trọng là có kết quả kinh doanh tốt hơn.

Công nghệ số đang thay đổi thị trường

Theo thống kê của Google, các dịch vụ trên mạng được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất là tìm kiếm thông tin, truy cập mạng xã hội, xem video và nghe nhạc trực tuyến với gần 50% người dùng internet sử dụng hàng tuần. Ngoài ra, các dịch vụ như tìm thông tin sản phẩm, chơi game cũng chiếm hơn 20% lượng người dùng internet tại Việt Nam và đáng chú ý là hầu hết các dịch vụ này được người sử dụng khai thác qua điện thoại di động thông minh đã và đang dần thay đổi cách thức người tiêu dùng mua sắm, giải trí, giữ liên lạc… Cộng đồng mạng ngày càng trở nên lớn mạnh, người ta không chỉ “lên mạng” mà còn “sống trên mạng”. Chính sự thay đổi về môi trường công nghệ này đã tạo ra sự thay đổi lớn về hành vi tiêu dùng và tạo ra một thị trường tiềm năng rộng lớn cho các doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng “kinh tế vỉa hè, nhà mặt phố” đang dần mất đi vị thế vì giờ đây doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh và nhận diện thương hiệu của mình trên một thị trường mạng rộng lớn. Sự tiếp cận giữa người mua hàng và bán hàng giờ đây chỉ cần qua một cú nhấp chuột. Không những vậy, gần như bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp với số vốn ban đầu ít ỏi miễn là họ có hàng hóa đủ sức hấp dẫn được người mua, còn khách mua là số đông người trong danh sách những người có mặt trên mạng.

Những thách thức đặt ra

Có thể nói internet đã và đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có cả cách thức người tiêu dùng tương tác với doanh nghiệp. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp, song cũng phải nhìn nhận tất cả còn đang là những thách thức trước mắt. Điều tra doanh nghiệp của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cũng chỉ ra rằng, công nghệ số hiện đang tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể năm 2015, có 95% doanh nghiệp cho biết họ đã sử dụng internet. Điều này có thế thấy rằng các doanh nghiệp đã rất nhanh chóng thích ứng và chuyển động trước sự thay đổi của môi trường. Cũng chính vì vậy, không phải vô cớ các hãng lớn trên thế giới về công nghệ số đang dành sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Theo Google, Việt Nam đứng thứ năm khu vực châu Á​-Thái Bình Dương với 52 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn một nửa dân số. Cũng theo tính toán của Google đến năm 2020, cứ thêm 1% người dùng điện thoại di động thì sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD vào GDP và tạo thêm 140 nghìn việc làm mới.

Tuy nhiên ông Kevin O’Kane, Giám đốc mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Google châu Á-Thái Bình Dương cũng cảnh báo “mỗi doanh nghiệp Việt Nam dù hoạt động ở bất cứ ngành nghề nào đều có thể trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử vì các bạn có sẵn lượng khách hàng lớn kết nối trực tuyến trên nền tảng di động. Các khách hàng này đều kỳ vọng vào sự hiện diện của các doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại di động tốt và thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Điều này khiến các doanh nghiệp gần như vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới đang kết nối trực tuyến”. Nhu cầu khách hàng ngày càng lớn, thị trường tiềm năng ngày càng tăng thế nhưng việc ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp vẫn còn là một sự khập khiễng.Thống kê của VCCI trong số 95% số doanh nghiệp có sử dụng internet, chỉ 41% sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Còn theo Google, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tìm kiếm trên mạng. Có nhiều lý giải cho việc này như doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của internet; lo lắng về an ninh mạng; thiếu chuyên gia về công nghệ; cho rằng chi phí cao trong khi khó tiếp cận các nguồn quỹ…Về điều này, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, việc tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ số là cách thức tốt nhất đi tắt, đón đầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng một thể chế chính sách tốt nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Báo Nhân Dân

Cá kho làng Vũ Đại thu hút thêm nhiều khách hàng do quảng cáo, bán qua mạng.

Viết một bình luận